Khác nhau cơ bản về quyền của tổ chức sử dụng đất thuê trả tiền một lần và thuê đất trả tiền hằng năm

Khi thuê đất để đầu tư và phát triển kinh tế , các tổ chức sẽ phải lựa chọn 2 hình thức để trả tiền thuê đất đó là trả tiền hằng năm và trả tiền một lần cho toàn bộ quá trình thuê. Vậy giữa hai hình thức này tổ chức thuê đất sẽ có những quyền gì khác nhau? Trong bài viết này, Luật Đại Phong sẽ phân tích để giúp các bạn tìm hiểu rõ và chi tiết hơn về 2 hình thức này để có thể lựa chọn hình thức phù hợp với nhu cầu của mình.

  • Quyền của tổ chức thuê đất trả tiền hằng năm:

Theo Điều 175, Luật Đất đai năm 2013 quy định về quyền của tổ chức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm bao gồm:

-Quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này;

-Thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam;

– Bán tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê khi có đủ điều kiện quy định tại Điều 189 của Luật này; người mua tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất theo mục đích đã được xác định;

-Góp vốn bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê; người nhận góp vốn bằng tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất theo mục đích đã được xác định;

-Cho thuê lại quyền sử dụng đất theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm đối với đất đã được xây dựng xong kết cấu hạ tầng trong trường hợp được phép đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng đối với đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

  • Quyền của tổ chức thuê đất trả tiền một năm:

Trong khoản 2, điều 174, Luật Đất đai năm 2013 quy định về quyền của tổ chức thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê như sau: Bên cạnh các quyền chung của người sử dụng đất được quy định tại điều 166 Luật này, tổ chức kinh tế thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê có quyền:

– Chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất;

– Cho thuê quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất đối với trường hợp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất; cho thuê lại quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;

– Tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước; tặng cho quyền sử dụng đất cho cộng đồng dân cư để xây dựng các công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng; tặng cho nhà tình nghĩa gắn liền với đất theo quy định của pháp luật;

– Thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam;

– Góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất để hợp tác sản xuất, kinh doanh với tổ chức, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật.

  • Khác biệt cơ bản về quyền giữa 2 hình thức:

So sánh giữa hai điều luật 174 và 175 đã nêu ở trên, chúng ta có thể thấy khác biết cơ bản nhất giữa hai hình thức này về quyền đó là đối với đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, người sử dụng đất không được quyền chuyển nhượng, thế chấp, tặng cho, góp vốn… bằng quyền sử dụng đất mà chỉ được thực hiện các hoạt động liên quan đến tài sản trên đất. Trong khi đó, đối với đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, người sử dụng đất có thể chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, góp vốn, thế chấp bằng quyền sử dụng đất.Có thể thấy việc thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê thì tổ chức thuê đất sẽ có được nhiều quyền lợi hơn.Tuy nhiên quyền lợi nhiều thì đi kèm với việc nghĩa vụ cũng nhiều, nhiều chủ thể vẫn lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền hằng năm vì sẽ tiết kiệm được chi phí hơn nếu như cầu không quá cao.