Bộ luật Lao động năm 2019 có bước tiến đáng kể trong việc đưa ra định nghĩa “học nghề” và “tập nghề” quy định tại khoản 1, khoản 2 điều 61. Tuy vậy, đề tìm hiểu kỹ hơn nữa về “học nghề” và “tập nghề”, cần thiết phải tham chiếu các quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014.
- Học nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để đào tạo nghề nghiệp tại nơi làm việc. Thời gian học nghề theo chương trình đào tạo của từng trình độ theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
- Tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để hướng dẫn thực hành công việc, tập làm nghề theo vị trí việc làm tại nơi làm việc. Thời hạn tập nghề không quá 03 tháng.
Như vậy, thời gian đào tạo nghề do NSDLĐ tổ chức có thể từ trình độ sơ cấp (từ 3 tháng – 1 năm) và các chương trình đào tạo thường xuyên được quy định trong điều 33, 41, 42, 51 Luật Giáo dục nghề nghiệp. Thời gian tập nghề không quá 03 tháng. Trong thời gian “học nghề”, “tập nghề”, người lao động không phải trả học phí, không được nhận lương (trừ khi hai bên có thoả thuận khi người lao động làm ra sản phẩm) và không được đóng các khoản bảo hiểm.
Trên thực tế, cụm từ “thực tập”, “học việc” được sử dụng khá phổ biến và theo quan điểm của tôi, khá tương đồng với khái niệm “tập nghề” bởi mục đích hướng tới là hướng dẫn thực hành công việc, tập làm nghề theo vị trí việc làm. Hiện nay, không ít doanh nghiệp lợi dụng tình trạng “yếu thế” của một bộ phận người lao động để ký Hợp đồng “học nghề” để sử dụng lao động nhằm né tránh nghĩa vụ phải thực hiện đối với người lao động về lương, bảo hiểm và các phúc lợi khác. Luật cũng không đưa ra việc giới hạn số lần được ký HĐ học nghề hay tập nghề. Tuy nhiên, theo Khoản 1 điều 13 BLLĐ 2019 “…Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động”. Ngoài ra, Doanh nghiệp sẽ gặp rủi ro pháp lý cao là bị xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 13.1 của Nghị định 28/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH…như sau:
Điều 13. Vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề
1. Phạt tiền đối với NSDLĐ có một trong các hành vi: Không đào tạo nghề cho NLĐ trước khi chuyển NLĐ sang làm nghề, công việc khác; không ký kết hợp đồng đào tạo nghề đối với người học nghề, tập nghề; không trả lương cho người học nghề trong thời gian họ học nghề, tập nghề mà trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách; không ký kết HĐLĐ đối với người học nghề, người tập nghề khi hết thời hạn học nghề, tập nghề, theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 NLĐ;
b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 NLĐ;
c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 NLĐ;
d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 NLĐ;
đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 NLĐ trở lên.
Do đó, doanh nghiệp khi ký kết HĐ học nghề hoặc tập nghề, doanh nghiệp cần cân nhắc đến “rủi ro pháp lý” này để lựa chọn cách ứng xử phù hợp.